Thông tư số 121/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính Quy định về hoạt động của công ty chứng khoán
Từ 15/02, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của CT chứng khoán không quá 05 lần
Ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 121/2020/TT-BTC quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.
Theo đó, công ty chứng khoán phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán không được nhận ủy quyền của khách hàng thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của các khách hàng.
Đồng thời, Bộ cũng quy định 06 trường hợp công ty chứng khoán không được bảo lãnh phát hành theo hình thức cam kết chắc chắn hoặc là người bảo lãnh chính:
Thứ nhất, công ty chứng khoán, độc lập hoặc cùng công ty con hoặc cùng với người có liên quan sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của tổ chức phát hành, hoặc có quyền kiểm soát tổ chức phát hành, hoặc có quyền bổ nhiệm Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức phát hành.
Thứ hai, tối thiểu 30% vốn điều kệ của công ty chứng khoán và tối thiểu 30% vốn điều lệ của tổ chức phát hành do cùng một cá nhân hoặc một tổ chức nắm giữ…
Đáng chú ý, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 05 lần (quy định cũ chỉ cho phép không được vượt quá 03 lần). Giá trị tổng nợ theo quy định này không bao gồm các khoản sau đây: Tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng; Quỹ khen thưởng phúc lợi; Dự phòng trợ cấp mất việc làm; Dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2021.
Thông tư này làm hết hiệu lực Thông tư 210/2012/TT-BTC, Thông tư 07/2016/TT-BTC.
Xem chi tiết Thông tư 21/2020/TT-BTC tại đây